Du lịch Việt Nam, Tin tức, Địa điểm, Review về Tour

Chia sẻ các thông tin, tin tức, kinh nghiệm về du lịch giá rẻ, các tour trong và ngoài nước tiết kiệm

Tìm hiểu về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu

Rằm tháng 7 sắp đến gần, hãy cùng Golden Gift Việt Nam tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan đặc biệt này nhé!

Ngày lễ báo hiếu cha mẹ là ngày nào trong năm nay 2021?

Trong truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” dân tộc ta, thì ngày Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ mình – những vĩ nhân của cuộc đời mỗi người. Ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Theo âm lịch, lễ Vu lan năm 2021 rơi vào ngày chủ nhật (15/07) dương lịch ngày 22-8

Như vậy, ngày Lễ Vu Lan báo hiếu năm nay chính là ngày rằm tháng 7 hàng năm theo lịch âm. Theo đó, Lễ Vu Lan 2021 rơi vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).

Nguồn gốc của lễ tết vu lan báo hiếu

Theo truyền thuyết của Phật giáo, xưa kia ông La Bộc đi theo Ðức Phật. Sau khi tu hành đắc đạo đã trở thành Bồ tát Mục Kiền Liên có nhiều phép thần thông. Do mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn buồn rầu và thương nhớ. Vì muốn biết mẹ mình khi ấy ra sao, ông dùng “mắt thần” tìm kiếm bốn phương và thấy mẹ đang ở trong “cõi quỷ”. Mẹ ông bị hành hạ khổ cực vì bà từng gây nhiều tội lỗi khi còn sống. Mục Kiền Liên nhìn thấy vậy, ông xuống “cõi quỷ” và đưa mẹ bát cơm nhưng lại không được ăn.

Ông về hỏi Ðức Phật. Nghe vậy, Ðức Phật bảo dù tài giỏi thế nào Mục Kiền Liên cũng không thể cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu lan khuyên đến ngày rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm thì sẽ cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ.

Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Hằng năm đến mùa Vu lan, trong đó đúng ngày rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành – đạo hạnh đứng đầu trong “tứ ân” ( Ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội và ân Tam Bảo) của đạo Phật.

Lễ Vu lan là dịp để con cháu đời sau bày tỏ lòng thành kính, thảo hiếu, cầu nguyện và báo đáp ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ và ông bà tổ tiên

Kinh Phật đã viết: “Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết”, “Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu”. Vậy là khi lời của Ðức Phật về một yếu tố của đạo lý làm người cùng với với tình cảm của dân tộc đã “hòa quyện” để ra đời một mỹ tục văn hóa “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu”.

Nguồn gốc, sự tích và nghi thức "Bông Hồng Cài Áo"

Nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan, theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, xuất phát từ áng văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.

Một bông hồng mạ vàng dành tặng mẹ nhân ngày Vu lan báo hiếu là món quà thể hiện tình yêu và sự kính trọng con cái dành đến người mẹ

Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức Bông hồng cài áo đó được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thày Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ. 

Nét đẹp ngày lễ Vu Lan trong đời sống xã hội

Bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử mang giá trị nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án, cộng đồng chê cười.

Vu lan thắng hội là dịp đặc biệt để tất cả người con có những việc làm cụ thể để bày tỏ sự hiếu thảo với các bậc làm cha mẹ còn sống cũng như đã mất

Chính vì thế, mùa Vu Lan đến là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các bậc cha mẹ, bằng những việc làm, cách thể hiện khác nhau, đều mong muốn cầu chúc cho cha mẹ luôn sống khỏe mạnh, thanh bình và an nhiên.

Nhưng cho dù bằng cách nào đi chăng nữa, thì việc dành thời gian ở bên người thân, cùng nấu những bữa ăn ngon với mẹ, đàm đạo cùng cha, đi du lịch gia đình hay dành tặng cha mẹ những món quà tặng ý nghĩa là những việc làm thiết thực tuyệt vời nhất đối với cha mẹ của mình rồi.

Đào Tuấn

Share this post
Repost0
To be informed of the latest articles, subscribe:
Comment on this post